Kalachakra (Thời Luân) là một pháp thiền phức tạp, thuộc về bộ Mật tông cao cấp nhất, Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga). Kalachakra không chỉ là một phương tiện sâu sắc để khắc phục những tác động bất lợi của nghiệp và thành tựu giác ngộ để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, mà còn có một bách khoa toàn thư về khoa học cổ đại của Ấn Độ trong các tác phẩm văn học của nó, là điều hữu ích cho tất cả mọi người, bất kể tín ngưỡng của họ là gì.
Kalachakra có nghĩa là chu kỳ thời gian, với thời gian là thước đo của sự thay đổi ở cả bên ngoài, trên thế giới và vũ trụ, và bên trong cơ thể. Thế thì nó có thể được đo lường bằng nhiều cách. Bên ngoài thì có các chu kỳ quỹ đạo của các hành tinh, tháng và mùa trong năm, các giai đoạn của mặt trăng, giờ trong ngày, v.v..., chưa kể đến chu kỳ lịch sử, thời kỳ hòa bình và chiến tranh. Bên trong thì có chu kỳ của các giai đoạn của cuộc đời (thời sơ sinh, thời thơ ấu, tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và tuổi già), chu kỳ kinh nguyệt, giấc ngủ và chu kỳ sinh học, số lượng hơi thở trong một ngày và những điều như vậy. Những chu kỳ ngoại tại và nội tại song hành với nhau một cách chặt chẽ. Giống như những ngôi sao, thiên hà và vũ trụ trải qua các chu kỳ thành, trụ, hoại, diệt, thì con người cũng trải qua các chu kỳ sinh ra, trải qua kiếp sống, già nua và chết đi với một trung ấm, hay thời kỳ trung gian. Hơn nữa, cả hai chu kỳ nội tại và ngoại tại đã lặp đi lặp lại từ vô thỉ, với sự tái sinh liên tục của vũ trụ và kiếp sống.
Kinh nghiệm của chúng ta về các chu kỳ thời gian ngoại tại và nội tại này là do nghiệp của mình tạo tác. Nghiệp là tâm sở, khiến ta phải làm, nói, hay suy nghĩ điều gì, dựa vào tâm vô minh và mê lầm về tác động của hành vi của mình, và về cách chúng ta, người khác và vạn pháp tồn tại. Theo một số giải thích thì nghiệp cũng gồm có năng lượng khiến mình phải hành động và nói năng, cũng như hình tướng của hành vi và âm thanh từ lời nói của chúng ta. Kết quả của nghiệp là mình phải trải qua luân hồi, chịu tác động của sự tàn phá của các chu kỳ thời gian ngoại tại và nội tại. Kết quả xa hơn là ta sẽ trải qua những chu kỳ đó với những nỗi khổ của những chu kỳ bất hạnh dài lâu hơn nữa, và loại hạnh phúc không bền lâu, bất toại nguyện. Kalachakra bổ sung thêm vào sự mô tả này các chu kỳ của gió nghiệp, chịu trách nhiệm cho các hiện tướng (tâm ảnh ba chiều) mà tâm hành của mình tạo tác trong các chu kỳ tỉnh thức, chiêm bao, giấc ngủ sâu và đôi khi, trong kinh nghiệm cực khoái.
Có một chu kỳ thời gian thứ ba gọi là “Thời Luân luân phiên”, một chu kỳ điểm đạo Mật tông (quán đảnh), hai giai đoạn tu tập và thành tựu Phật quả. Chu kỳ này không chỉ là sự thay thế cho Kalachakra ngoại tại và nội tại, mà còn là pháp đối trị cho việc phải gánh chịu tác động tai hại của chúng. Sau cùng thì nếu năng lượng, tâm minh mẫn và tâm trạng của mình chịu ảnh hưởng của thời tiết, lượng ánh sáng mặt trời trong ngày, sự thay đổi nội tiết tố, sự thoái hóa liên quan đến tuổi tác, thì điều đó không chỉ cản trở khả năng hoàn thành mục tiêu của mình, mà còn ngăn cản việc giúp đỡ người khác một cách hiệu quả.
Kalachakra là pháp tu đặc thù theo nhiều cách. Như một phần trình bày về các chu kỳ ngoại tại của thời gian, các tác phẩm văn học của Kalachakra cung cấp những công thức toán học phức tạp để tính toán vị trí của mặt trời, mặt trăng và các hành tinh, độ dài của ngày vào tiết hạ chí, thời gian của nhật thực, âm lịch và chiêm tinh tử vi. Nó còn bao gồm hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng các thiết bị cơ khí hữu ích trong thời bình và thời chiến. Việc bàn luận về các chu kỳ nội tại cung cấp sự mô tả chi tiết về hệ thống năng lượng vi tế của cơ thể, với các luân xa, kinh mạch và giọt trong đó, cộng với nhiều khía cạnh được kết hợp vào truyền thống y học Tây Tạng, cũng như phân tích về ngữ âm tiếng Phạn.
Các lễ điểm đạo và hai giai đoạn tu tập của Kalachakra cũng đặc thù, với nhiều đặc điểm khác với các pháp Tối Thượng Du Già Mật Điển khác. Để duy trì tính song hành giữa Kalachakra ngoại tại và nội tại, nên lễ điểm đạo được ban trong các giai đoạn tương ứng và tạo mẫu theo các giai đoạn của đời sống. Cung điện mạn đà la và thân tướng của vị Bổn tôn chánh có tỷ lệ giống như mô hình của vũ trụ và cơ thể con người. Vì sự phức tạp của thế giới bên ngoài và bên trong, và nhu cầu hoàn toàn tịnh hóa cả hai, nên mạn đà la chứa đựng nhiều Bổn tôn hơn hầu hết tất cả các hệ thống Mật điển khác. Các nhóm Bổn tôn khác nhau trong số 722 vị bên trong và xung quanh cung điện tương ứng với số ngày và tháng trong năm âm lịch, các biểu tượng của cung hoàng đạo, các chòm sao chính, số lượng xương và khớp trong cơ thể, cũng như các giác quan, các đại và các uẩn của thân và tâm. Hơn nữa, các giai đoạn cuối cùng của việc tu tập với hệ thống năng lượng vi tế tạo ra một cách đặc thù để tiếp cận tâm thanh quang (mức độ vi tế nhất của tâm hành) và một loại thân vi tế (vô sắc) đặc thù, phục vụ như nguyên mẫu cho Sắc thân của một vị Phật.